ADVERTISEMENT
Tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” ngày 15/5, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề cập đến tình trạng, hiện nay nhiều cán bộ, công chức ở một số sở, ngành đang có tâm lý e ngại, làm gì cũng sợ sai, nhất là liên quan đến các dự án có yếu tố “lịch sử để lại”.
“Đó là quyền cá nhân của các anh, nhưng trong một hệ thống chính trị, thì tư tưởng quá lo sợ, quá đảm bảo cho mình có được một sự an toàn mà không dám tham mưu, đề xuất cái gì hết là điều không được khuyến khích, không được đánh giá cao. Đã đến lúc chúng ta phải hành động mạnh mẽ”, ông Thơ nói.
Theo Chủ tịch thành phố, Đà Nẵng “không mấy khả quan” trong việc đạt được một số mục tiêu về kinh tế – xã hội theo nghị quyết về nhiệm vụ năm 2019 của HĐND thành phố, trong đó có mục tiêu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng 8-9% so với ước thực hiện năm 2018.
“Có thời kỳ Đà Nẵng ở đâu cũng có công trường, tốc độ tăng trưởng nhanh. Nhưng qua thời kỳ phát triển nóng thì bắt đầu quay lại thu hút đầu tư, làm hạ tầng trường học, bệnh viện; chưa nói đến việc vướng thanh tra, kiểm tra, điều tra như hiện nay”, ông Thơ nói.
Lãnh đạo Đà Nẵng phản ánh, hiện nay các doanh nghiệp đang “rất kêu ca quy trình thủ tục để làm được dự án, vì quá kinh khủng”; thành phố đang tồn đọng hàng trăm hồ sơ xin đầu tư. Vừa qua, Đà Nẵng đã thay một số giám đốc Sở và hàng loạt giám đốc văn phòng đăng ký sử dụng đất, cải cách thủ tục hành chính.
“Phải làm sao để cả xã hội ai cũng bừng bừng khí thế đầu tư mới góp phần tăng trưởng GRDP”, ông nói và cho hay nhiều khu đất trống trên địa bàn từ trung tâm ra đến khu vực ven biển đều đã có chủ nhưng không triển khai được dự án vì vướng mắc, trong đó có nội dung liên quan đến sai phạm đất đai.
“Đây là câu chuyện của mười mấy năm về trước, nhưng bây giờ vẫn vướng thì chúng ta phải tập trung tháo gỡ”, ông Thơ nói và mong dư luận chia sẻ với Đà Nẵng, bao gồm vấn đề liên quan đến các dự án lấn sông Hàn. Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng dự án và “mang lại khí thế cho Đà Nẵng về mặt đầu tư”.
Giải thích điều chỉnh quy hoạch ở hai dự án lấn sông, ông Thơ nói “đây là việc làm thường xuyên”. Đất đai đã giao cho doanh nghiệp từ lâu, đến khi điều chỉnh quy hoạch để phục vụ lợi ích cộng đồng, chính quyền phải bàn bạc, làm việc với chủ đầu tư, giải quyết đền bù, bố trí lại cho thỏa đáng.
Trước đó ngày 14/5, ông Thái Ngọc Trung – Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết đã làm việc với chủ đầu tư hai dự án ven sông Hàn, thống nhất điều chỉnh quy hoạch theo hướng cắt bỏ nhà cao tầng để mở rộng không gian công cộng phục vụ người dân.
Cụ thể, dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex cắt bỏ hai khối nhà cao tầng (diện tích đất khoảng 6.800 m2); còn khu phức hợp nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp Olalani Riverside Tower cắt bỏ ba khối nhà cao tầng (diện tích đất khoảng 13.000 m2) để làm công viên cây xanh, bãi đỗ xe,…
Đà Nẵng sẽ hoán đổi các vị trí đất trống trên địa bàn cho phần diện tích hai chủ đầu tư đã nhượng lại trên cơ sở đổi ngang giá.